So với các quốc gia châu Âu khác, chi phí sinh hoạt ở Đức đối với du học sinh là khá hợp lý. Giá cho thực phẩm, chỗ ở, quần áo, tham gia các sự kiện giải trí, văn hóa, v.v… về cơ bản phù hợp với mức trung bình của EU. Bạn sẽ cần trên 700 euro một tháng để trang trải cho cuộc sống tại Đức. Chi phí lớn nhất là tiền thuê nhà hàng tháng của bạn.
Chi phí sinh hoạt ở Đức đối với du học sinh hàng tháng bao gồm:
- Chi phí sinh hoạt cơ bản (tiền thuê nhà, thực phẩm, quần áo, sách, cước phí điện thoại,…)
- Phí bắt buộc mỗi học kỳ (Semesterbeitrag)
- Bảo hiểm y tế
- Các khoản học phí
Chi tiết xem cuối bài
Sinh viên thường chi tiêu tối thiểu 600 Euro mỗi tháng khi đi du học Đức
Sinh viên Việt Nam cần tối thiểu 600 euro mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt ở Đức. Ở các thành phố lớn, chi phí có thể thay đổi đáng kể và tuỳ vào cách bạn chi tiêu.
Bạn nên lên kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho việc sinh sống và học tập tại Munich hơn ở Leipzig. Thông thường, chi phí sinh hoạt tại các thành phố nhỏ sẽ ít hơn chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn. Nếu ai tiết kiệm tốt thì con số này là thoải mái. Với các bạn có điều kiện và quen chi tiêu nhiều thì có thể cao hơn.
Tiền thuê nhà là chi phí sinh hoạt ở Đức đối với du học sinh lớn nhất
Tiền thuê căn hộ sẽ chiếm nhiều nhất trong mức chi tiêu hàng tháng của mỗi sinh viên. Tuy nhiên, giá thuê nhà ở Đức rất khác nhau. Tùy thuộc vào vị trí của trường đại học, bạn sẽ phải trả từ 210 đến 360 euro mỗi tháng cho một chỗ ở. Giá thuê ở một số thành phố lớn như Cologne, Munich, Hamburg, Düsseldorf và Frankfurt am Main, cao hơn nhiều so với giá thuê tại các nơi khác. Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí hết mức có thể, nơi lý tưởng là ký túc xá sinh viên Studienwohnheim hoặc một căn hộ chung (WG).
Bạn nên xem thêm: Cách tìm thuê nhà tại Đức nhanh chóng nhất
Sinh viên có nhiều ưu đãi giảm giá
Sinh viên sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về giá. Bằng cách xuất trình thẻ sinh viên của bạn tại quầy vé, bạn có thể được giảm giá vé vào cửa nhà hát, bảo tàng, nhà hát opera, rạp chiếu phim, hồ bơi công cộng và các địa điểm văn hóa khác.
Các chi phí ăn chơi, giải trí này tuỳ thuộc tiềm lực tài chính mỗi cá nhân. Tuy nhiên trung bình vào khoảng 100 Euro mỗi tháng.
Phí đóng góp mỗi học kỳ
Tất cả sinh viên đại học đều phải đóng một khoản tiền cố định, gọi là phí học kỳ Semesterbeitrag. Nó có giá trung bình khoảng 250 euro, nhưng có thể thay đổi tùy theo trường đại học và các dịch vụ mà nó bao gồm.
Một phần của Semesterbeitrag sẽ chi trả các dịch vụ xã hội. Nó bao gồm phí các phòng ăn sinh viên, ký túc xá sinh viên, các cơ sở thể thao và các dịch vụ hành chính. Các khoản này có thể lên đến 100 Euro.
Ở một số bang, sinh viên phải trả thêm một khoản phí hành chính có thể dao động từ 50 đến 75 euro mỗi học kỳ.
Phí học kỳ ở mốt số trường cũng bao gồm vé các loại giao thông công cộng. Với loại vé này, bạn có thể sử dụng miễn phí tất cả các phương thức giao thông công cộng trong và xung quanh nơi bạn học trong nửa năm. Tùy thuộc vào thành phố và phạm vi của vé, nó có thể có giá từ 25 đến 160 euro mỗi học kỳ.
Hướng dẫn tự mở tài khoản ngân hàng ở Đức
Học phí
Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học ở Đức được tài trợ bởi Nhà nước. Theo quy định, sinh viên được miễn học phí nếu theo học chương trình cử nhân và cao học tại các cơ sở giáo dục đại học của tiểu bang. Học phí có thể áp dụng cho chương trình giáo dục thường xuyên cụ thể của chương trình Thạc sĩ, tuy nhiên khoản tiền này không nhiều nếu so sánh với các nước khác. Học phí có thể cao hơn nếu sinh viên theo học các trường đại học tư thục.
Tuy nhiên, bang Baden-Wuerttemberg đã quyết định tính phí học tập của công dân không phải là EU lên tới 1.500 Euro mỗi học kỳ cho các khóa học (Cử nhân, Thạc sĩ, Diplom, Tốt nghiệp Quốc gia) có hiệu lực từ học kỳ mùa đông 2017/18. Sinh viên tiến sĩ không bị ảnh hưởng bởi các khoản phí này. Những sinh viên chưa hoàn thành khóa học của mình cho tới WS 2017/18 sẽ không phải chịu các khoản phí nêu trên.
Bảo hiểm y tế
Nếu bảo hiểm y tế của bạn mua tại Việt Nam không được công nhận ở Đức, bạn sẽ phải mua một bảo hiểm mới. Các nhà cung cấp bảo hiểm y tế công cộng cung cấp bảo hiểm cho cho sinh viên khoảng 80 euro một tháng. Điều kiện là bạn vẫn dưới 30 tuổi và chưa học dài hơn 14 học kỳ. Sau thời gian đó, phí bảo hiểm của bạn sẽ tự động tăng lên 160 euro mỗi tháng.
Chi tiết chi phí sinh hoạt ở Đức đối với du học sinh ở một mình
Tiền thuê nhà, điện nước | € 300 |
Tiền ăn hàng tháng | € 120 |
Tiền mua quần áo | € 30 |
Tài liệu học tập | € 20 |
Xe bus hoặc các phương tiện giao thông công cộng | € 94 |
Bảo hiểm y tế, chi phí khám, chữa bệnh, thuốc men | € 80 |
Điện thoại, mạng Internet, tivi | € 31 |
Vui chơi giải trí | € 61 |
Tổng cộng | € 736 |
Lưu ý: Đây là số tiền khá thoải mái khi đi du học Đức. Với một số bạn ít nhu cầu chi tiêu hoặc sống chung với bạn bè thì có thể ít hơn. Nhưng theo nghiên cứu tối thiểu mỗi sinh viên cần sử dụng tối thiểu 500 Euro/ tháng.
Làm thế nào để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở Đức đối với du học sinh?
Theo cá nhân mình và chia sẻ từ nhiều anh chị du học sinh khác, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp sau để tiết kiệm tiền sinh hoạt.
- Bạn nên tìm một công việc làm thêm ở Đức để gia tăng thu nhập hàng tháng. Thời gian làm việc chỉ nên khoảng 20h/tuần theo đúng quy định, vừa là để tránh phiền phức với bên kiểm tra, ngoài ra cũng để có thêm thời gian học tập ở nhà.
- Rảnh rỗi hãy đi siêu thị và tìm kiếm những món đồ miễn phí, hoặc đồ ăn gần hết date, giá sẽ giảm một cách siêu sốc đấy. Bạn yên tâm về chất lượng của sản phẩm này vẫn còn tốt nhé.
- Lập bảng chi tiêu cá nhân theo tuần và tuân thủ kỷ luật, tránh sa đà vào việc mua sắm hoặc đi chơi quá nhiều gây thâm hụt ngân quỹ, nếu không lại phải ăn mỳ gói cả tháng.
- Nếu cần mua các món đồ có giá trị lớn, hãy tham khảo mua đồ cũ trên các chợ rao vặt như ebay, …
Trên đây là những chia sẻ của WTE giúp các bạn kiểm soát được chi phí sinh hoạt ở Đức đối với du học sinh. Nếu còn thắc mắc nào hãy gửi tin nhắn cho bên mình qua inbox nhé.