APS là gì? Hướng dẫn tự làm hồ sơ APS và đăng ký thi APS

APS là gì? Hướng dẫn tự làm hồ sơ APS và đăng ký thi APS

Đối với các bạn muốn du học đại học hoặc học thạc sĩ ở Đức, nhất thiết phải trải qua kỳ thi APS. Vậy APS là gì? Cách đăng ký thi APS như thế nào? Hồ sơ APS bao gồm những gì? Chúng ta cùng giải đáp nhé.

APS là gì?

APS là một bộ phận thuộc Phòng Văn hóa của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Thẩm tra APS chứng nhận Sinh viên xin Du học có đáp ứng được các điều kiện cơ bản để nhập học Đại học tại Đức.  Đồng thời thẩm tra các Chứng chỉ học tập có hợp lệ hay không. Thủ tục này được áp dụng từ ngày 01 tháng 1 năm 2007 đến nay. Nếu không vượt qua kỳ thi APS, bạn sẽ không thể xin visa du học Đức.

Sau khi thẩm tra, nếu Sinh viên đạt đầy đủ các yêu cầu sẽ được cấp một Chứng chỉ APS hay một Chứng nhận (cho các khóa học thuần túy nghệ thuật). Chứng chỉ hay Chứng nhận này là một trong những điều kiện để được nhập học tại một Trường Đại học của Đức. Các Chứng chỉ và Chứng nhận APS có hiệu lực vô thời hạn.

chứng chỉ aps
chứng chỉ APS là gì?

Đối tượng nào cần dự thi APS?

APS không đòi hỏi điều kiện gì. APS chia thành các nhóm sau để bạn có thể đăng ký:

  1. Tất cả các sinh viên Việt Nam sẽ theo học đại học ở Đức. Những người vừa tốt nghiệp THPT và đỗ vào đại học, những người chưa tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, những người đã tốt nghiệp cao đẳng.
  2. Tất cả các sinh viên Việt Nam muốn tiếp tục học tập tại Đức sau khi đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam. Để lấy bằng đại học thứ hai, lấy bằng thạc sĩ,hay tham gia các khóa đào tạo sau đại học.
  3. Các sinh viên học các ngành học thuần túy nghệ thuật (ví dụ ca hát, múa, hội hoạ)
  4. Những người đang sinh sống ở Đức theo diện đoàn tụ gia đình nay muốn theo học đại học tại Đức.

Một số bạn học xong đại học ở Việt Nam, nhưng muốn sang Đức học lại đại học vẫn cần dự thi APS

Sinh viên trường quốc tế không cần thẩm tra APS

Sinh viên có văn bằng do trường đại học nước ngoài (không phải Việt Nam) cấp có thể nộp hồ sơ thẳng sang các trường đại học ở Đức mà không cần qua thủ tục APS. Đối với sinh viên vừa có bằng đại học Việt Nam vừa có bằng Thạc sĩ nước ngoài thì việc bằng đại học Việt Nam có phải thẩm tra APS hay không sẽ tùy theo yêu cầu của trường đại học tại Đức mà sinh viên ứng tuyển.

Một số trường hợp khác không cần thẩm tra APS:

  • Tất cả những người xin du học đã nhận được một học bổng từ công quỹ của CHLB Đức (DAAD hoặc từ Quỹ của một Tổ chức chính trị Đức) hay của
  • Những người nhận học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam – MOET –  được chuyên gia Đức thống nhất với Đại sứ quán Đức.
  • Những người được DAAD lựa chọn.
  • Những người sẽ sang làm luận án tiến sĩ tại một trường đại học Đức.

APS sẽ kiểm tra những gì?

Đối với các sinh viên đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam

  1. Thẩm tra tính xác thực của các giấy tờ mà sinh viên nộp. Liệu chúng có bị làm giả hoặc được “dàn xếp” hay không.
  2. Kiểm tra liệu sinh viên có đáp ứng các điều kiện để đăng ký đại học ở Đức
  3. Nếu sinh viên hội đủ điều kiện thì mời sinh viên đến phỏng vấn

Đối với sinh viên đang học đại học đại học ở Việt Nam, chưa có bằng

Các bạn sẽ phải làm bài thi TestAS. TestAS là một kỳ thi tập trung và chuẩn mực nhằm xác định năng lực học tập của sinh viên nước ngoài. Sinh viên có thể lựa chọn thi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Thông tin đầy đủ về TestAS và cách đăng ký, mời bạn click vào đường link này.

Lệ phí thi APS tốn bao nhiêu?

Lệ phí cho Thủ tục APS thông thường cho sinh viên sau đại học hiện là 250 USD. Số tiền này sẽ không được hoàn lại trong bất kỳ trường hợp nào. Lệ phí phải được thanh toán trước tại Vietcombank. Hóa đơn trả lệ phí phải được nộp cùng hồ sơ. Sau khi thẩm tra hồ sơ và phỏng vấn thành công, sinh viên sẽ nhận được 10 giấy chứng chỉ. Nếu 10 giấy chứng chỉ vẫn chưa đủ, sinh viên có thể nộp vào tài khoản của Đại sứ quán Đức 20 USD và gửi hóa đơn đến APS xin cấp thêm 10 chứng chỉ nữa.

Tài khoản nộp lệ phí thi APS là gì?

Tài khoản: Embassy of Germany
Số tài khoản: 0011371844717
Ngân hàng: Vietcombank

Khi trả tiền tại ngân hàng, đề nghị ghi rõ đầy đủ họ tên, ngày sinh của sinh viên và „APS“. Sau khi nộp hãy giữ lấy giấy gửi tiền, về sau sẽ cần nộp chung với hồ sơ APS.

Hồ sơ APS là gì? Bao gồm giấy tờ nào?

Các bạn tổng hợp các giấy tờ và sắp xếp theo trình tự bên dưới:

  1. Một đơn điền đầy đủ có dán ảnh chân dung (đề nghị tải xuống từ trang Web của Đại sứ quán Đức). Đề nghị điền đơn chữ viết rõ ràng, bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh và ghi rõ đầy đủ họ tên.
  2. Hóa đơn ngân hàng về việc trả lệ phí
  3. Các văn bằng về học tập của Việt Nam (kèm bản dịch công chứng sang tiếng Anh. Riêng đối với những người tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ Đức thì dịch sang tiếng Đức):

    –  bằng tốt nghiệp trung học phổ thông: 02 bản sao chứng thực và 01 bản dịch chứng thực

    –  bảng điểm đại học: 02 bản sao chứng thực và 01 bản dịch chứng thực. Nếu bảng điểm gốc là song ngữ Việt-Anh thì nộp tổng cộng 02 bản sao chứng thực, không cần bản dịch.

    – bằng tốt nghiệp đại học: 02 bản sao chứng thực và 01 bản dịch chứng thực. Nếu là bằng song ngữ Việt-Anh thì chỉ nộp 02 bản sao chứng thực, không cần bản dịch.

  4. 1 bản sao chứng thực các chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh và/hoặc tiếng Đức. Không bắt buộc.
  5. 01 bản CV bằng tiếng anhLebenslauf bằng tiếng Đức. 01 Bảng điểm tự kê của hai học kỳ cuối cùng của Đại học. Đối với sinh viên có Bảng điểm đã được liệt kê theo trình tự niên học/học kỳ Đại học thì không phải nộp Bảng điểm tự kê này. Bảng điểm này sinh viên đánh máy và không cần xin dấu hay chữ ký của Nhà trường.
  6. Một bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân hoặc trang 2 của hộ chiếu.
  7. Một phong bì to cỡ A4, màu trắng, không in bất kỳ logo nào. Trên đó ghi rõ họ tên và địa chỉ, số điện thoại di động của người nhận giấy chứng chỉ APS ở góc dưới bên phải phong bì.

    (Lưu ý: Không dập ghim những giấy tờ ở mục 1,3,4 và 5!!!)

Sau đó cho vào file tài liệu và nộp tại phòng lễ tân Đại sứ quán Đức tại Hà Nội hoặc gửi qua bưu điện theo địa chỉ sau:     

Đại Sứ quán Đức tại Việt Nam, APS

29 Trần Phú, Quận Ba Đình, Hà Nội

Theo kinh nghiệm bản thân mình, bạn ấn chuông cổng phụ Đại sứ quán Đức và đưa cho bác bảo vệ là được.

4/5 - (4 bình chọn)
Chia sẻ ngay